TwitterFacebookGoogle PlusLinkedInRSS FeedEmail

Sẽ cảnh báo thực phẩm sạch bằng màu


Rau được bày bán tại các con ngõ nhỏ của khu dân cư ở Hà Nội

Rau, gà, cá, thịt đều “dính” độc

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các chương trình giám sát quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chuỗi sản xuất thủy sản đã được triển khai từ lâu song kết quả thu lại rất thấp.




Qua giám sát tại 48 tỉnh, thành phố cho thấy mức độ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm thủy sản chưa có chiều hướng giảm và không ổn định. Cụ thể lượng tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi vượt giới hạn cho phép trong ba năm gần đây là 1,3%, 1%, 1,5%; hóa chất bảo quản, ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong thủy sản sau thu hoạch tương ứng là 3,5%, 5,5% và 5,3%.


Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát chuyên ngành còn nhiều hạn chế, hoạt động rà soát, sửa đổi khung pháp lý triển khai cho phù hợp với thực tiễn sản xuất còn chậm. Trong trường hợp phát hiện mẫu vi phạm vượt mức an toàn thực phẩm, việc cảnh báo, truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn kiểm tra cơ sở để có biện pháp khắc phục còn chưa kịp thời.



Kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau của 17 tỉnh, TP năm 2012 cho thấy, tỷ lệ mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt mức cho phép còn rất cao chiếm trên 10%. Đối với sản phẩm chăn nuôi, kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gà, thịt cho thấy, gần 16% số mẫu trong thịt lợn nhiễm Salmonella và trên 38% trong thịt gà nhiễm Ecoli vượt mức cho phép.


Theo ông Tiệp sở dĩ để xảy ra tình trạng này là bởi chưa có văn bản quy định hướng dẫn triển khai chương trình giám sát. Thời điểm triển khai chương trình giám sát còn phục thuộc vào kinh phí từ trên cấp xuống mà đa số những khoản này thường được giải ngân quá chậm khiến một số chương trình chỉ có thể được giám sát vào cuối năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc xử lý kết quả giám sát, áp dụng biện pháp khắc phục khi phát hiện ô nhiễm vi sinh vật hoặc hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.



Địa phương khó quản lý chất lượng thực phẩm




Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cho biết, địa bàn này đã lấy hàng trăm mẫu thực phẩm để kiểm tra, kết quả cho thấy hầu hết các sản phẩm đều nhiễm chất vi sinh. Tuy nhiên, để quản lý tốt chất lượng sản phẩm còn nhiều cái khó. Thực tế, Đà Nẵng phải nhập trên 70% nông sản cung cấp cho thành phố nhưng khâu quản lý chất lượng chỉ có thể kiểm soát ở khâu cuối cùng đó là tiêu thụ. Trong khi muốn kiểm soát được chất lượng sản phẩm phải từ gốc là nhà sản xuất. Muốn kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm phải có phối hợp của cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, phối hợp các tỉnh để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.




Thực tế việc truy xuất nguồn gốc, tồn dư chất kháng sinh, kiểm soát hiện nay còn khó khăn, không phân biệt đâu là hoa quả Trung Quốc hay Việt Nam. Cơ chế quản lý điều hành có vấn đề. Chẳng hạn, sản phẩm nhập khẩu mới chỉ kiểm soát khi còn là một lô hàng nhưng khi xé lẻ ra lại không quản lý được. “Chúng ta nên có biện pháp truy nguồn gốc nếu không không quản lý được chất lượng sản phẩm. Phải truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất đến tiêu thụ mà muốn làm được phải có sự phối hợp nhịp nhàng.”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Cục quản lý thị trường - Bộ Công thương nói.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị tăng cường kinh doanh có điều kiện kể cả những hộ bán rau, thịt ở chợ để bảo đảm chất lượng chuỗi sản phẩm chứ “quản lý theo chuỗi nếu nơi có nơi không cũng không được”. Thêm vào đó phải bổ sung trang thiết bị để kiểm nghiệm mẫu thực phẩm.




Một giải pháp khá hiệu quả cũng được bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại hội nghị đó là thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở sản xuất kinh doanh bị loại C để người tiêu dùng tẩy chay các cơ sở kém chất lượng này. Bà Thu cho biết thêm, trên thực tế số cơ sở loại C nhiều, tỉ lệ cơ sở loại C được tái kiểm tra ít. Chẳng hạn kiểm tra cơ sở giết mổ lần đầu 60,88%, tái kiểm tra lại trên 70% loại C nhưng điều đáng nói là quá trình khắc phục chưa được 20% vì bản thân địa phương chưa cương quyết, kiểm tra chưa thường xuyên.




Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trên thì có nhiều nhưng nguyên nhân chủ quan nhiều hơn trong đó, nhận thức về vấn dề quản lý chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của một số cán bộ, bà con nông dân chưa đúng mức. Hệ thống pháp lý hình thành nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu, chưa phù hợp triển khai còn chậm. chỉ mới nặng về quy định quản lý hành chính mà thiếu chính sách kinh tế tạo động lực khuyến khích người làm tốt, góp phần nâng cao chất lượng an toàn người sử dụng.




Thời gian tới phải phấn đấu đạt mục tiêu giảm 10% số cơ sở loại C. 10% số vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm so năm trước. Vấn đề làm thế nào để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm là của cả hệ thống, xã hội nhưng trước hết là của ngành nông nghiệp.




Theo ông Cao Đức Phát, Bộ đã có chủ trương triển khai quản lý theo hệ thống đánh giá tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở nào yếu kém hướng dẫn nâng cao điều kiện đạt tiêu chuẩn, nếu cố tình sai phạm xử lý vi phạm nặng rút giấy phép, xử phạt theo quy định của luật pháp.




Về vấn đề quản lý theo chuỗi từ sản xuất, tiêu thụ đến người tiêu dùng xem khâu nào mất nguy cơ an toàn thì tập trung chứ không làm tràn lan, nhưng phải có sự phối hợp đồng bộ các tỉnh. Bộ cũng sẽ có cảnh báo thực phẩm bằng cách phân nhóm theo bảng màu, màu xanh an toàn, vàng, đỏ mất an toàn để thông tin cho địa phương kiểm soát.
HƯƠNG NGUYÊN